Dù là nên kinh tế thứ 2 thế giới nhưng người Trung Quốc vẫn di cư

Trong quá khứ, động lực ra đi lớn nhất của họ là để thoát khỏi đói nghèo, nhưng giờ đây những người giàu có nhất và giỏi nhất mới có đủ khả năng để ra đi, bất chấp Trung Quốc đã làm nên phép màu kinh tế khiến thế giới phải thán phục.


Ở miền Tây Trung Quốc, tại rìa của sa mạc Gobi xa xôi, những cô cậu bé 17 tuổi đang thảo luận về lịch sử thế giới như cách mạng tháng 10 Nga, sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức hay “chế độ độc tài chuyên chế”. Những học sinh Trung Quốc được dạy về thế chiến thứ hai, nhưng khi theo học ở ngôi trường Lanzhou Oriental Canadian School này, chúng đang dần tách mình ra khỏi tương lai của Trung Quốc. Tất cả sẽ đi du học, phần lớn là tới Canada, một số tới Mỹ, Australia hay Anh.

Ở Trung Quốc, nhu cầu du học lớn đến nỗi dù Gansu là tỉnh nghèo thứ hai cả nước, ở đây vẫn mọc lên 1 tòa nhà đẹp đẽ để chào đón thêm nhiều học viên. Trong khuôn viên tòa nhà treo nhiều băng rôn quảng cáo về “Giấc mộng Trung Hoa” mà Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu quảng bá từ năm 2012, nhưng trên khắp Trung Quốc có hàng trăm nghìn người đang mơ về chuyện sống ở trời Tây.

Làn sóng di cư ra nước ngoài là 1 trong những xu hướng nổi bật ở Trung Quốc trong mấy thập kỷ gần đây. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa năm 1978, khoảng 10 triệu người Trung Quốc đã chuyển ra nước ngoài sinh sống. Chỉ Ấn Độ và Nga có cộng đồng người di cư lớn hơn con số này, nhưng đó là con số tích lũy trong thời gian dài hơn nhiều.

Những học sinh ở Lanzhou Oriental chỉ là một phần của câu chuyện. Kể từ năm 2001, hơn 1 triệu người Trung Quốc đã trở thành công dân của nước khác (nhiều nhất là Mỹ). Số người tìm kiếm tấm vé cư trú dài hạn để cuối cùng sẽ được nhập tịch còn lớn hơn rất nhiều.

Con đường dễ dàng nhất là tận dụng cơ chế cấp thị thực cho những người siêu giàu mà nhiều nước phát triển đang áp dụng. Nhiều người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư vào những công ty hay để mua bất động sản. Theo quy định mỗi công dân Trung Quốc chỉ được mang 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm, nhưng họ có những cách lách luật như ghi khống hóa đơn nhập khẩu, ký hợp đồng với các tổ chức nước ngoài hay thậm chí giả vờ thua trong những vụ kiện giả mạo với các tổ chức cá nhân ở nước ngoài.

Ngành công nghiệp “xuất khẩu người”

Cho con đi du học đã trở thành tham vọng của đa số các bậc cha mẹ. 57% phụ huynh Trung Quốc muốn con đi du học nếu có điều kiện, theo số liệu của Viện khoa học xã hội Thượng Hải. Và đây không còn là mốt của riêng giới siêu giàu. Liang Yuqi, cô bé đến từ thành phố Zhangye ở gần Lanzhou, đang được bố mẹ định hướng đi học ở 1 trường công có học phí khá rẻ ở Canada. Bố mẹ em là công chức chưa từng ra nước ngoài nhưng dành toàn bộ số tiền dành dụm được cho con gái đi du học. Mẹ của Liang cho rằng đó là 1 sự hi sinh đáng giá.

Nhu cầu du học khổng lồ của người Trung Quốc được phục vụ bởi hàng trăm ngôi trường quốc tế. Một số trong đó phục vụ hậu duệ của những người Trung Quốc hồi hương, nhưng kể từ năm 2003, số lượng những trường như Lanzhou Oritental đã tăng đột biến với nhiều chương trình liên kết quốc tế. Học phí ở Lanzhou Oritental vào khoảng 11.000 USD mỗi năm, cao hơn 11 lần so với mức trung bình. Bắc Kinh và 1 số tỉnh đã ngừng cấp phép chương trình mới và Bộ Giáo dục Trung Quốc đang tính đến phương án hạn chế các chương trình như vậy trên cả nước, nhưng số lượng du học sinh ngày càng lớn và độ tuổi đi du học thì ngày càng giảm xuống. Từ năm 2005 đến nay, tính riêng con số học sinh cấp 2 đi du học ở Mỹ đã tăng gấp 60 lần, lên 35.000 em.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong số 4 triệu người đi du học kể từ năm 1978 đến nay, một nửa không trở về. Con số không chính thức còn cao hơn. Trong một số ngành, hiện tượng chảy máu chất xám đã lên đến mức báo động: gần như toàn bộ những sinh viên ngành khoa học đều ra nước ngoài nghiên cứu tiến sĩ, và 85% người học ngành khoa học và kỹ sư có bằng tiến sĩ ở Mỹ không trở về quê nhà.

Những cô cậu học sinh của Lanzhou Oriental biết rằng mình sẽ phải gánh vác tương lai của cả gia đình. Cô bé Hai Yingqi (16 tuổi) tự ý thức phải có được việc làm đủ tốt để sau này đón bố mẹ, em trai và cả ông bà nội ngoại sang cùng.

Người Trung Quốc vẫn coi học vấn là “tấm vé” dẫn đến thành công. Đó cũng là lý do giải thích tại sao tầng lớp trung lưu của nước này đang rất chú ý đến việc đi du học. Một nữ doanh nhân Trung Quốc chuẩn bị sang Mỹ sinh con (để con có quốc tịch Mỹ) nói cô không muốn con mình đi học ở Trung Quốc vì muốn có điều kiện tốt nhất thì phải “chăm sóc” thầy cô cẩn thận. Tiền bạc không phải là vấn đề, nhưng đó là chuyện không tốt. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh muốn con cái lớn lên trong một môi trường tự do, tân tiến hơn.

Có rất nhiều cách để người Trung Quốc di cư. Nhóm siêu giàu thường bỏ ra 3 triệu USD để định cư ở Anh trong 5 năm hay 3,6 triệu USD để định cư ở Úc. Khoảng 70.000 triệu phú Trung Quốc đã di cư tới Canada kể từ năm 2008 đến nay. Những chuyến đi tới Mỹ hay các nước khác để sinh con cũng là 1 sự lựa chọn. Bên cạnh đó nhiều người làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia cuối cùng sẽ chuyển ra nước ngoài sinh sống.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thực hiện những chiến dịch đắt đỏ nhằm lôi kéo người tài trở về. Những doanh nhân Trung Quốc hồi hương giờ đang dẫn dắt các công ty sáng tạo nhất của đại lục. Tuy nhiên phần lớn chỉ quay lại sau khi đã đảm bảo chính họ và con cháu có thể di cư bất cứ khi nào. Yao Ming, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng cao 2,29m, là biểu tượng của người Trung nhưng con gái 6 tuổi của anh được sinh ra ở Mỹ. Đạo diễn nổi tiếng Chen Kaige có ít nhất 2 con mang quốc tịch Mỹ. Ngôi sao Củng Lợi có hộ chiếu Singapore.

Từ xưa đến nay Trung Quốc vốn nổi tiếng là miền đất của những người di cư. Gần như ở đất nước nào trên thế giới này cũng có cộng đồng người Hoa. Trong quá khứ, động lực ra đi lớn nhất của họ là để thoát khỏi đói nghèo, nhưng giờ đây những người giàu có nhất và giỏi nhất mới có đủ khả năng để ra đi, bất chấp Trung Quốc đã làm nên phép màu kinh tế khiến thế giới phải thán phục.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *